Chiều thứ năm hàng tuần, hết ca làm chị Hồ Thị Thương, 37 tuổi, rời công ty ở khu công nghiệp Long Bình (Biên Hòa, Đồng Nai) chạy nhanh về nhà cách đó chừng 5 km để kịp buổi giải đáp luật cho công nhân. Thứ năm tuần trước, chị tư vấn chủ đề chờ nhận lương hưu hay bảo hiểm xã hội một lần đang nóng, nhiều công nhân yêu cầu. Hơn 20 người vừa ra ca, còn nguyên đồng phục công ty, đang đợi chị.
"Tôi không biết có nên nghỉ việc để năm sau nhận tiền bảo hiểm không", công nhân Trần Thị Lan làm tại công ty may ở khu công nghiệp Long Bình băn khoăn tại buổi tư vấn. Ở tuổi 35, thâm niên 15 năm trong nghề, chị Lan mắc chứng suy giãn tĩnh mạch chân do ngồi nhiều, ít vận động, nên tính toán gắng thêm chục năm nữa sẽ nghỉ việc ở tuổi 45. "Bởi lúc đó còn 10 năm nữa tôi mới được nhận lương hưu. Như vậy là quá lâu, tôi không đủ sức chờ", chị Lan nói.
Chị Hồ Thị Thương (áo xanh) tặng quà động viên công nhân trong buổi tư vấn. Ảnh: Lê Tuyết.
Chủ đề bảo hiểm xã hội thiết thực khiến buổi tư vấn sôi nổi khi nhiều công nhân đặt câu hỏi. Để phần tư vấn sinh động, dễ hiểu, chị Thương và nhóm tư vấn diễn hoạt cảnh nhỏ. Hai người ngoài 40 tuổi cùng công ty. Một người cần tiền sửa nhà nên nghỉ việc, nhận bảo hiểm xã hội một lần. Người còn lại vay ngân hàng rồi trích lương trả dần. Về già, tình cờ gặp lại, người có lương hưu đỡ vất vả trong khi người còn lại bán vé số dạo kiếm sống qua ngày.
"Mỗi người có hoàn cảnh khác nhau. Mình tư vấn không nên áp đặt mà đưa ra tình huống giúp họ cân nhắc thiệt hơn, có sự lựa chọn phù hợp", chị Thương nói.
Có mặt tại buổi tư vấn, anh Trần Nam Trung, 40 tuổi, làm việc ở Công ty Jin Yang Electronics (Khu công nghiệp Giang Điền, Trảng Bom, Đồng Nai), kể về lần hỗ trợ pháp lý cho đồng nghiệp kiện doanh nghiệp đòi quyền lợi. Khi đó công nhân Lê Thị Vân bị công ty cho nghỉ việc trái luật. Qua một đồng nghiệp, chị biết tới nhóm tư vấn luật của anh Trung nên tới cầu cứu.
Nghe nữ công nhân trình bày, anh Trung nhận đại diện chị Vân khởi kiện công ty ra Tòa án huyện Long Thành. Qua hai lần hòa giải với những dẫn giải mạch lạc về luật mà anh Trung đưa ra, phía công ty nhận đã chấm dứt hợp đồng lao động trái luật, bồi thường cho chị Vân gần 60 triệu đồng.
Để có thời gian theo đuổi những vụ kiện tại tòa, những người "vác tù và hàng tổng" như anh Trung thường xin nghỉ phép năm. Một số trường hợp thời gian tố tụng kéo dài, anh phải xin nghỉ không lương, dành toàn bộ thời gian giúp đỡ những đồng nghiệp yếu thế.
"Chỉ cần giúp được công nhân, khó khăn nào tôi cũng vượt qua", anh Trung nói và cho hay trước đây từ Nghệ An vào Đồng Nai làm công nhân từng bị chèn ép nhiều mà không biết kêu ai. Ký hợp đồng làm việc tại bộ phận ủi quần áo nhưng hết ca anh bị chủ sai đi bốc vác. Một lần đi nghe tư vấn pháp luật ở nhà trọ, nam công nhân giãi bày bức xúc mới biết công ty làm vậy là sai.
Từ đó, mỗi khi hay tin ở đâu có tư vấn pháp luật anh đều đến nghe. Năm 2009, biết Trung tâm tư vấn pháp luật công đoàn Đồng Nai đào tạo công nhân để nối dài cánh tay hỗ trợ pháp lý tại xí nghiệp, nhà trọ anh Trung đăng ký tham gia.
Cũng như anh Trung, 12 năm trước chị Thương từng "ôm cục tức" vì bị tai nạn gãy tay nhưng không được công ty giải quyết chế độ tai nạn lao động. Tình cờ được đi nghe tư vấn pháp lý lưu động tại nhà trọ, chị được lý giải cặn kẽ. Không ngờ đó là "buổi tối định mệnh" gắn chị với công việc này nhiều năm qua.
Từ năm 2009-2013, cuối tuần anh Trung, chị Thương cùng nhiều công nhân tập trung về trụ sở Liên đoàn lao động Đồng Nai tham gia lớp tập huấn về pháp luật lao động, kỹ năng tập hợp, thương lượng, nói chuyện trước đám đông... Tiếp cận với kiến thức pháp luật, họ nhận ra mình cùng nhiều công nhân đang chịu thiệt thòi, bị xâm phạm quyền lợi mà không ai biết. Những lần bị hạn chế đi vệ sinh, ép buộc phải tăng ca, quản lý nặng lời... họ đều cố chịu đựng.
"Chúng tôi đồng cảnh ngộ không giúp nhau còn chờ ai", chị Thương nói. Học gần 3 tháng, chị được ra thực tế. Đầu tiên là chọn địa điểm tư vấn, gõ cửa từng phòng trọ thuyết phục công nhân tham gia tư vấn pháp luật. Có người đồng ý nhưng có trường hợp đóng sập cửa, không tiếp. Lắm hôm chạy xe máy gần 30 km từ Biên Hòa xuống Trảng Bom, Nhơn Trạch trời mưa tầm tã. Cả nhóm ai cũng muốn khóc khi buổi tư vấn ngoài trời dày công chuẩn bị phải hoãn lại.
Một buổi tư vấn luật cho công nhân ở Đồng Nai. Ảnh: Lê Tuyết.
Lần đầu tiên được giao thuyết trình chính, chị Thương soạn nội dung, nói đi nói lại chục lần trước gương. Thời gian đầu, chỗ nào vấp luật sư của trung tâm đỡ ngay. Tham gia lực lượng tư vấn, chị trở thành người khác, nhanh nhẹn, tự tin, hiểu biết. Ở công ty, công nhân tin tưởng bầu chị vào ban chấp hành công đoàn, trở thành "luật sư riêng" miễn phí của đồng nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Như Ý, Chủ tịch Liên đoàn lao động Đồng Nai cho hay, tỉnh có hơn 3 triệu dân, trong đó công nhân chiếm 60%, nhưng lực lượng cán bộ công đoàn có hạn, Trung tâm tư vấn pháp luật chỉ có 7 người nên gặp khó trong việc đưa kiến thức pháp luật tới người lao động, đặc biệt ở nhà trọ, xí nghiệp.
Do đó, từ năm 2009 Trung tâm tư vấn pháp luật công đoàn tỉnh khởi xướng mô hình "dùng chính công nhân chia sẻ kiến thức pháp luật cho công nhân". 12 năm qua gần 700 người tham gia được gọi là "công nhân nòng cốt". Họ được xem là bộ phận trụ cột về hỗ trợ pháp luật cho đồng nghiệp dựa vào những lợi thế chung nơi ở, công việc, thời gian... Nhóm "công nhân nòng cốt" đã góp phần "lấp đầy khoảng trống pháp luật" cho công nhân.
Ông Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật công đoàn, cho rằng không ai hiểu, gần gũi công nhân bằng chính công nhân. Có nhiều quy định, luật sư giảng công nhân khó nắm bắt, nhưng khi những người như chị Thương, anh Trung nêu lên, dẫn ví dụ thực tế để giải thích, mọi người hiểu ngay. Công nhân cũng sôi nổi tham gia, tranh luận chứ không giữ khoảng cách.
Trước đây "công nhân nòng cốt" được ví như những người đi "xóa mù" luật, giờ đây đồng hành người lao động. Ngoài giải đáp chính sách pháp luật, trang bị kỹ năng thương lượng, họ còn chú ý phát hiện những vấn đề công nhân gặp phải. Vướng mắc nằm ở công ty, nhóm sẽ phối hợp công đoàn tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ, hoặc kiến nghị chính quyền, cơ quan chức năng nếu liên quan chính sách pháp luật.
Lê Tuyết
Bình luận
Tin cùng chuyên mục
Akshay Kumar dùng sức ảnh hưởng và độ giàu có để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn vượt qua đại dịch.
Công ty VNOMEDIA là đơn vị thiết kế website chuyên nghiệp tại Nghệ An với hơn 10 năm kinh nghiệm đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc triển khai...
Khánh Hòa Đến hòn đảo gần Nha Trang, du khách được trải nghiệm chèo thuyền kayak 2 km tham quan rừng...